Trong thiết kế, việc lựa chọn màu sắc chủ đạo phù hợp để đem lại hiệu quả cao cho sản phẩm đôi khi không hề dễ dàng.
Nếu phải bắt đầu mọi thứ từ con số không, không có bất kì hướng dẫn gì về phong cách cụ thể hay gợi ý nào từ khách hàng, liệu bạn sẽ bắt đầu từ đâu ?
Câu trả lời được đưa ra nhiều nhất là hãy thử bắt đầu lựa chọn bảng màu dựa trên thuyết cổ điển về màu sắc.
Điều này hoàn toàn đúng, bởi vì lý thuyết màu sắc không chỉ đơn thuần dành cho các sinh viên mỹ thuật, nó cũng là một công cụ đắc lực giúp nhà thiết kế sử dụng màu sắc một cách hiệu quả, bắt mắt và hấp dẫn.
Một trong những bảng màu dễ sử dụng nhất là bảng màu đơn sắc.
Mặc dù “mono” thường mang nghĩa là một, nhưng điều này không có nghĩa là bạn phải sử dụng cùng một màu sắc cho toàn bộ thiết kế.
Thay vào đó, bạn hoàn toàn có thể tạo một bảng màu đơn sắc linh hoạt với một màu cơ bản (một trong 12 màu truyền thống trên bánh xe màu sắc) và tất cả những biến thể dựa trên màu cơ bản đó.
Vậy những loại biến thể nào bạn nên cân nhắc ? Hãy xem xét các lựa chọn sau :
- Shades: màu cơ bản kết hợp với màu đen.
- Tones: màu cơ bản kết hợp với màu xám.
- Tints: màu cơ bản kết hợp với màu trắng.
Xây dựng một bảng màu đơn sắc với nhiều biến thể shades, tones và tints giúp bạn có thể lựa chọn màu sắc linh hoạt cho mọi phần trong thiết kế của mình.
Nhiều công cụ online hiện nay sẽ giúp bạn làm được điều này dễ dàng.
Tại sao bạn nên thử phong cách phối màu đơn sắc?
Ngoài tính linh hoạt vốn có, bảng màu đơn sắc sẽ đem lại một vài lợi thế cho thiết kế của bạn:
- Đem lại cái nhìn hài hòa, gắn kết và bắt mắt.
- Người xem sẽ không bị sa đà quá nhiều vào màu sắc, thay vào đó sẽ chú ý đến phần nội dung.
- Có thể giúp liên kết thương hiệu của bạn với một màu sắc cụ thể, khiến người xem nhớ lâu hơn.
- Việc thiết kế sẽ dễ dàng và nhanh hơn khi bạn không phải tốn công lựa chọn màu sắc và suy nghĩ cách để kết hợp chúng với nhau.
Dưới đây là 9 kỹ thuật thiết kế với màu đơn sắc
TÓM LƯỢC BÀI VIẾT NÀY
01. Tạo một thiết kế đơn giản :
Trong thiết kế, đôi khi không tránh khỏi việc phải thể hiện nhiều thông tin trong một không gian hạn chế.
Sử dụng thêm nhiều màu sắc sẽ chỉ làm cho mọi thứ trở nên phức tạp và khó hiểu hơn.
Thay vào đó, hãy sử dụng bảng màu đơn sắc, bạn sẽ thấy bố cục trông gọn gàng và ngăn nắp hơn.
Ví dụ, infographic dưới đây chứa rất nhiều hình minh họa và typography, nhưng việc khéo léo sử dụng bảng màu xanh đơn sắc đã giúp mọi thứ trở nên gắn kết với nhau.
Trên thực tế, bên cạnh màu đơn sắc chủ đạo, hầu hết các thiết kế sẽ sử dụng thêm màu trắng hoặc đen cho phần văn bản hoặc nền.
Thiết kế này cũng không ngoại lệ, màu trắng và xám được sử dụng cho phần nền để giúp làm nổi bật đồ họa màu xanh.
02. Thêm lớp phủ màu cho hình ảnh :
Không chỉ giới hạn ở nội dung và đồ họa, màu sắc còn có thể có nhiều ứng dụng hơn thế.
Các thiết kế với hình ảnh làm chủ đạo vẫn có thể được biến tấu bằng cách phủ một lớp màu lên trên.
Điều này đem lại hiệu quả rất cao đặc biệt với các bức ảnh đen trắng.
Các sắc thái khác nhau của màu đen, trắng và xám thể hiện qua lớp phủ một màu sẽ để lại nhiều ấn tượng về sự thay đổi màu sắc.
Ví dụ trên đã cho thấy kỹ thuật này đem lại hiệu quả như thế nào đối với ảnh chân dung.
Bạn đồng thời cũng nên chú ý cách mà màu sắc làm cho phần nội dung hiển thị rõ hơn trên một tông nền nhất quán.
Hiệu quả cũng đạt được tương tự khi sử dụng cho ảnh màu, như bố cục trang web dưới đây.
Trang web với những tấm ảnh đặt cạnh nhau mà không có bất kỳ viền hay khung ngăn cách sẽ dễ khiến người xem bị rối. Tuy nhiên như bạn thấy ở đây, các sắc thái khác nhau của màu tím đã tạo nên cấu trúc bố cục hoàn hảo.
03. Tạo nên tính tương tác và gắn kết :
Một trong những lợi ích của việc sử dụng màu đơn là mọi thành phần trong thiết kế sẽ trông có vẻ được gắn kết với nhau.
Đây không chỉ đơn thuần là một hiệu ứng hình ảnh.
Việc thể hiện được sự liên quan và tính tương tác trong thiết kế có thể giúp người xem hiểu ngay thông điệp và mục đích thiết kế của bạn.
Ví dụ dưới đây, các sắc thái của màu xanh lá cây chuyển từ nhạt sang đậm dần để thể hiện cho sự tăng về giá.
Các mức giá khác nhau tương ứng với các màu sắc khác nhau – màu càng đậm thì chi phí càng cao. Đây là một bước đi thông minh, tinh tế giúp thiết kế trở nên thân thiện hơn với người dùng.
04. Sử dụng màu có chủ đích :
Là một nhà thiết kế, thật thú vị khi thử nghiệm kết hợp các màu sắc khác nhau.
Nhưng thông thường, những màu đậm hoặc sáng sẽ không thích hợp cho một dự án công việc hay đối tượng khách hàng là doanh nghiệp.
Trong trường hợp này, bảng màu đơn sắc có thể giúp bạn có thêm một số lựa chọn bên cạnh những màu sắc thông thường, như việc dùng tone nhẹ nhàng hơn của những màu đậm sẽ đem lại cái nhìn chuyên nghiệp hơn.
Các nhà thiết kế thường làm điều này bằng cách lấy một màu sáng cơ bản (như màu đỏ, trong ví dụ bên dưới) và tạo một bảng màu với các màu tối hơn và các biến thể dễ chịu hơn.
Thiết kế thiệp Giáng sinh cho một công ty xây dựng dưới đây là ví dụ tốt về kỹ thuật này.
Màu sắc Giáng sinh truyền thống (đỏ tươi và xanh lá cây) có thể là quá sặc sỡ
Tuy nhiên với bảng màu đơn sắc trong thiết kế này, màu đỏ đã được làm giảm nhẹ hơn, đảm bảo mọi thứ chuyên nghiệp và phù hợp cho doanh nghiệp trong khi vẫn giữ được sắc đỏ của mùa lễ hội.
05. Hãy thử màu xám :
Grayscale là một thiết lập dùng trong in ấn, sử dụng các sắc thái của màu xám để tạo sự biến đổi màu sắc.
Thiết lập này thường được sử dụng để tiết kiệm tiền mực in màu khi cần in thiết kế ra để xem xét nhưng chưa cần xem xét đến màu của nó.
Tuy nhiên, ngay cả khi thiết kế của bạn không phải để in ra, bạn vẫn có thể mượn ý tưởng về thang độ xám này và áp dụng nó vào bảng màu của riêng mình.
Có thể bạn sẽ thắc mắc tại sao lại phải làm điều đó khi mà màu xám sẽ làm cho thiết kế trông vô cùng nhàm chán?
Không hẳn như thế, giống như màu đen và trắng, bảng màu xám đơn sắc có thể tạo ra một cái nhìn tối giản và tinh tế cho thiết kế của bạn.
Thiết kế trang web dưới đây kết hợp ảnh chụp đen trắng, văn bản màu xám trong menu và lớp phủ màu xám để bổ sung cho nền trắng cơ bản với phần nội dung màu đen.
Ngoài ra, hãy nhớ rằng khi sử dụng màu xám, bạn không cần phải hoàn toàn theo sát các màu trong thang độ xám.
Bạn cũng có thể điều chỉnh hiệu ứng, sử dụng màu xám lạnh hơn (thường là màu xanh lam) hoặc màu xám ấm hơn (thường là màu đỏ, đỏ tía hoặc nâu).
Hình ảnh tiêu đề của trang web mà bạn vừa xem có lớp phủ màu xám nghiêng về phía màu xanh. Điều này tạo nên một số biến thể màu sắc nhỏ và giúp thu hút sự quan tâm của khách hàng.
06. Phân tách bố cục :
Màu sắc, đặc biệt là các khối màu, có thể được sử dụng để phân chia thiết kế của bạn thành từng phần – đây là một phần quan trọng trong việc tạo nên một bố cục có tổ chức và có phân cấp thị giác tốt.
Thiết kế này cho app calendar sử dụng màu tím đơn sắc để phân tách các tính năng khác nhau và chỉ cho người dùng nơi họ có thể điều chỉnh cài đặt.
07. Tính tối giản :
Có rất nhiều tints, tones, và shades mà bạn có thể tạo ra từ bất kỳ một màu cơ bản nhất định nào, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn cần sử dụng nhiều biến thể màu sắc.
Đôi khi, sự khác biệt không nhiều giữa các màu sắc đó sẽ khó có thể phân biệt được bằng mắt thường.
Một cách để giữ cho số lượng màu sắc bạn sử dụng ở mức dễ quản lý là chỉ sử dụng vừa đủ số màu bạn cần để phân tách các yếu tố thiết kế của mình .
Ví dụ, bố cục ba màu là khá điển hình và đem lại sự nhất quán cho màu nền, màu văn bản và màu nhấn cho đồ họa hoặc các yếu tố khác.
Hãy xem các logo trên, chúng có thể dễ dàng được thiết kế bằng nhiều màu sắc, nhưng vì phong cách thiết kế sử dụng hình minh họa và nhiều chi tiết, hai màu đơn giữ cho mọi thứ đơn giản và không làm mất tập trung của người xem.
08. Sử dụng hai màu sắc :
Nếu bạn có hai thiết kế liên quan – như là một vài tờ rơi cho một chuỗi buổi hòa nhạc hoặc một cặp sản phẩm cho cùng một thương hiệu, như dưới đây – sẽ tạo ra hiệu ứng nổi bật khi sử dụng hai màu đơn sắc tương phản.
Điều này làm cho hai thiết kế khác nhau được kết nối.
Nhãn chai nước khoáng bên dưới đây có độ tương phản nhiều bởi vì hai màu được chọn (xanh và cam) là đối lập nhau trên bánh xe màu.
Trong lý thuyết màu truyền thống, việc phối màu bổ sung được coi là ấn tượng nhất và có độ tương phản cao cho bối cảnh nghệ thuật và thiết kế.
Ngoài các bảng màu đơn sắc và bổ sung, có bốn bảng màu cổ điển khác mà bạn có thể tham khảo từ bánh xe màu để làm nổi bật thiết kế của mình.
Tìm hiểu thêm về chúng trong bài viết về cách phối màu chuyên nghiệp
09. Hãy thử một dãy màu đơn :
Như đã đề cập ở phần trên, đôi khi việc nghiêm túc sử dụng một màu đơn sắc là không thực tế.
Tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể bẻ cong các quy tắc một chút mà vẫn giữ được bản chất của bảng màu đơn sắc – cả về hiệu ứng hình ảnh và chức năng của nó.
Dưới đây là một số phương pháp phổ biến mà bạn có thể tự mình thử:
Màu đơn sắc + Màu nhấn:
Bên cạnh màu đơn sắc được sử dụng chủ đạo, việc sử dụng một màu sắc khác với vai trò bổ sung, hay còn gọi là màu nhấn, có thể giúp làm nổi bật các phần quan trọng trong thiết kế của bạn hoặc đơn giản là tăng thêm tính bắt mắt.
Phong cách này hiệu quả nhất khi màu bổ sung có mục đích cụ thể trong thiết kế – ví dụ, để làm nổi bật logo hoặc phần thông tin liên hệ hay lời kêu gọi hành động.
Bộ danh thiếp này sử dụng màu xanh làm màu nhấn để làm nổi bật tên của nhà thiết kế:
Đây là một ví dụ khác.
Thay vì chọn màu xám làm màu đơn sắc cơ bản, ở đây chúng ta có màu ngọc lam, với một vài họa tiết trong phần nền và sử dụng màu tối hơn cho phần nội dung.
Màu sắc được giới hạn lại chỉ còn hai màu, giữ mọi thứ không bị quá tải.
Màu cam được sử dụng như một điểm nhấn đẹp mắt, gắn với logo thương hiệu, và trong trường hợp này, đồng thời được sử dụng cho mục đích trang trí.
Đen và trắng :
Các nhà thiết kế có nhiều ý kiến trái chiều về việc liệu phối màu đen trắng có đủ điều kiện để coi là đơn sắc hay không (vì về mặt kỹ thuật, màu đen được xem như là không có màu và màu trắng là sự kết hợp của tất cả các màu).
Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng đây là cách phối màu cơ bản nhất và dễ dàng sử dụng với một hay nhiều màu nhấn, hoặc ngay cả không sử dụng màu nhấn.
Để so sánh, hãy xem hai thiết kế trang web bên dưới, một chỉ với màu đen trắng hoàn toàn và một với màu đỏ làm màu nhấn:
Họ màu :
Mặc dù không mang tính đơn sắc về mặt kỹ thuật, một bảng màu được vẽ từ cùng một họ màu có thể có nhiều hiệu ứng tương tự về mặt hài hòa thị giác và thông tin.
Tạp chí dưới đây sử dụng màu xanh lá và xanh dương để làm nổi bật dữ liệu trong biểu đồ và đồ họa.
Mặc dù có ít nhất bốn hoặc năm màu khác nhau ở đây, nhưng giữa chúng có sự tương đồng – về nhiệt độ màu (mát) và độ bão hòa (độ sáng) – tạo ra một cái nhìn gắn kết.
Điều này có lẽ sẽ không đạt được nếu kết hợp với một tone màu ấm như màu cam.
Kết luận :
Bảng màu đơn, hoặc một màu, là một lựa chọn linh hoạt, dễ áp dụng cho bất kỳ loại thiết kế nào.
Trong suốt bài viết này, chúng tôi đem đến cho bạn những ví dụ về một số trang web, logo, danh thiếp, bao bì sản phẩm, v.v.
Tuy nhiên, bạn không nên hạn chế mình với định nghĩa truyền thống về màu đơn sắc – việc sử dụng thêm một hoặc hai màu bổ sung có thể đem lại hiệu ứng tăng cường.
Nào, bây giờ đã đến lúc bạn sử dụng những mẹo này cho dự án thiết kế của mình.