Graphic Design – Thiết kế đồ họa là gì trong năm nay ?
Thiết kế đồ họa bản chất là việc giao tiếp bằng hình ảnh, trong đó, nhà thiết kế sử dụng hình ảnh để truyền tải thông tin và khái niệm đến người xem.
Nhưng “Thiết kế đồ họa” cũng là một thuật ngữ khá mơ hồ. Tùy thuộc vào ngữ cảnh, nó có thể đề cập đến các sản phẩm thiết kế kỹ thuật số (hoặc in ấn).
Đối với một số người, đó là thuật ngữ mô tả nhiều ngành học khác có chứa từ “thiết kế”.
Và đối với những người khác, nó thậm chí còn bao hàm cả khái niệm nghệ thuật.
Vậy thiết kế đồ họa là gì ?
Theo quan điểm hiện đại, thiết kế đồ họa giao thoa với rất nhiều khía cạnh của doanh nghiệp — từ tiếp thị, bán hàng, xây dựng thương hiệu và thậm chí là quan hệ khách hàng
Điều quan trọng là phải hiểu chính xác ý nghĩa bối cảnh chúng ta đang đề cập khi tham chiếu thuật ngữ này.
Định nghĩa thiết kế đồ họa hiện đại đang ngày càng trở nên phức tạp hơn khi công nghệ phát triển và vai trò của ngành thiết kế đồ họa đang ngày càng đa dạng hơn !
Trong bài viết này, hãy cùng chúng mình đi sâu về khái niệm thiết kế đồ họa nghĩa là gì , và không có nghĩa là gì
TÓM LƯỢC BÀI VIẾT NÀY
Thiết kế đồ họa là gì ?
Thiết kế đồ họa là một liên ngành đòi hỏi việc sử dụng một cách chiến lược các nguyên tắc thẩm mỹ để tạo ra trật tự và ý nghĩa cho nội dung hình ảnh (hay thậm chí là video)
“Thiết kế đồ họa” là một thuật ngữ mô tả cả một khái niệm hay một vật chất cụ thể đều được.
Chúng ta có thể xem “Thiết kế đồ họa” là một chủ đề học thuật, một ngành công nghiệp, một sản phẩm và một dịch vụ
Thiết kế đồ họa là sử dụng nguyên tắc thẩm mỹ trong thiết kế để giúp người xem hiểu được nội dung (đôi khi phức tạp) của thiết kế đó
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, hãy cùng xem một số ví dụ phổ biến về các chuyên ngành con của thiết kế đồ họa :
- Thiết kế logo – Truyền đạt bản sắc của thương hiệu
- Thiết kế web / ứng dụng – Truyền đạt khả năng điều hướng, tương tác và trình bày nội dung bằng văn bản
- Thiết kế in ấn – Truyền đạt thứ tự và tầm quan trọng của thông tin bằng văn bản
- Thiết kế bìa – Truyền đạt chủ đề của sách / album / tạp chí
- Thiết kế quảng cáo – Truyền đạt trải nghiệm về sản phẩm/dịch vụ
- Thiết kế nhãn / bao bì – Truyền đạt thông tin sản phẩm
Tham khảo bài viết :
Có bao nhiêu kiểu thiết kế đồ họa bạn cần biết ?
Lịch sử của thuật ngữ “Thiết kế đồ họa” :
Trong lịch sử nghệ thuật và quảng cáo của nhân loại, thuật ngữ “thiết kế đồ họa” là một khái niệm tương đối mới gần đây.
Cách sử dụng thuật ngữ này đầu tiên được ghi lại là trong sổ tay thương mại giáo dục ở San Francisco năm 1908 dành cho mua bán máy in và Trường Nghệ thuật California, Berkeley năm 1918 đã ra đời một khóa học về “Thiết kế đồ họa và chữ”.
Tất nhiên, thiết kế đồ họa như một khái niệm không tên, đã tồn tại từ rất lâu trước đó.
Nhưng khi thuật ngữ này lần đầu tiên xuất hiện trong bối cảnh học thuật, lĩnh vực thiết kế đồ họa đã trở thành một quy trình, một chiến lược và thậm chí cả một triết lý được hệ thống hóa và giảng dạy cho người học !
Nhiều quy ước gắn liền với thuật ngữ — như cách xử lý hình thức, chất liệu, kiểu chữ và màu sắc — cũng được đưa vào chương trình giảng dạy trong năm 1920
Đầu những năm 1900 chính là thời gian ra đời của các tập đoàn lớn, vươn lên từ cuộc Cách mạng Công nghiệp của thế kỷ trước.
Do đó, lĩnh vực “thiết kế đồ họa” đã chính thức xuất hiện với tên gọi rõ ràng và phát triển với nền kinh tế thương mại đang trên đà bùng nổ,
Và “Thiết kế đồ họa” thường được sử dụng cho mục đích quảng cáo và xây dựng thương hiệu kể từ đó.
Thời đại kỹ thuật số đã mang đến một sự thay đổi tinh tế đối với cách chúng ta xác định khái niệm của thuật ngữ thiết kế đồ họa.
Giờ đây, nó không còn mô tả một thứ cố định nữa mà là một thứ có thể thay đổi, thứ mà người xem có thể tương tác theo đúng nghĩa đen.
Mặc dù ngày nay nhiều ngành học mới đã tham gia vào lĩnh vực thiết kế đồ họa nói chung, nhưng các nguyên tắc cơ bản và mục đích của giao tiếp bằng hình ảnh vẫn là bản chất cốt lõi của thuật ngữ “Thiết kế đồ họa”
Bản chất này không thay đổi qua các thời đại và sẽ không thay đổi trong tương lai !
Thiết kế đồ họa hoạt động thế nào ?
Chúng ta biết thiết kế đồ họa về bản chất là sử dụng hình ảnh để truyền tải thông tin, nhưng làm thế nào để thiết kế đồ họa thực hiện được điều này?
Nếu thông tin là tất cả những gì chúng ta theo đuổi, thì một khối văn bản đơn giản sẽ giải thích đầy đủ mà không cần kỹ năng thiết kế gì cả !
Nhưng các nhà thiết kế đồ họa sẽ lấy khối văn bản thô đó và sử dụng kiến thức chuyên môn của họ để tạo kiểu và định dạng thông tin một cách sáng tạo.
Hiệu quả là nội dung trở nên đẹp mắt về mặt thẩm mỹ, nghĩa là sẽ thu hút người xem và tăng tính tương tác, tăng hiệu quả quảng cáo !
Điều này chính là lợi ích của giao tiếp bằng hình ảnh: Nó lập tức gợi nên cảm xúc của người xem.
Về cơ bản, giao tiếp bằng hình ảnh là mối quan hệ với người xem và nhà thiết kế hiểu những hình ảnh nào sẽ khiến họ chú ý đến.
Để khai thác sức mạnh của hình ảnh, các nhà thiết kế chia nhỏ chúng thành các yếu tố cơ bản nhất và áp dụng các nguyên tắc thẩm mỹ để tạo nên ý nghĩa cho nhưng yếu tố đó !
Các yếu tố của thiết kế đồ họa :
Nhà thiết kế đồ họa chuyên nghiệp sáng tạo và sắp xếp các yếu tố cơ bản để tạo nên một hình ảnh thu hút người xem
Các yếu tố đó cơ bản là :
- Màu sắc – Màu sắc liên quan chặt chẽ đến cảm xúc, mỗi màu sắc khác nhau sẽ gợi lên một cảm giác khác nhau !
- Chữ – Ngoài ý nghĩa của văn bản, hình thức và kiểu dáng của các chữ cái tạo ra một ấn tượng cụ thể.
- Hình dạng – Hình dạng là nền tảng của tất cả hình ảnh có thể nhìn thấy được và nó có thể được đúc kết thành một ngôn ngữ riêng.
- Đường kẻ– Đường kẻ có thể bao quanh, phân chia , hay hướng sự chú ý và tạo ra chuyển động.
Nguyên tắc thiết kế đồ họa
Các nguyên tắc thiết kế chính là cách sắp xếp các yếu tố cơ bản trên thành một bố cục có tính thẩm mỹ cao, thu hút người xem
- Cân bằng và canh chỉnh – Tạo ra trật tự bằng cách sử dụng thiết kế đối xứng và định vị trên khung thiết kế
- Tương phản – Các yếu tố thiết kế phải tương tác với nhau và sự khác biệt của chúng tạo ra sự tương phản để tạo nên tính dễ xem, dễ đọc
- Nhấn mạnh – Thiết kế phải chọn những phần thông tin nào cần ưu tiên hơn những phần khác (thường thông qua độ tương phản và tỷ lệ).
- Chuyển động – Thiết kế có thể tạo ra chuyển động và năng lượng.
- Tỷ lệ – Thiết kế sử dụng kích thước và độ dày để phân biệt các yếu tố quan trọng và kém quan trọng hơn
- Sự lặp lại – Thiết kế sử dụng các yếu tố lặp lại để thúc đẩy sự gắn kết.
- Khoảng trống – Khoảng trống (hoặc không gia âm) rất quan trọng để phân tách các yếu tố và tạo nên bố cục thoáng mắt, khoa học !
Thiết kế đồ họa : Sự khác biệt giữa các chuyên ngành nhỏ !
Có một số ngành sáng tạo liên quan đến thiết kế đồ họa (với nhiều ngành được bổ sung khi công nghệ phát triển không ngừng).
Có một số điểm khác biệt đáng chú ý giữa các chuyên ngành nhỏ như sau :
Thiết kế thương hiệu :
Thiết kế thương hiệu là quá trình xây dựng bản sắc của thương hiệu một cách chiến lược, từ giao diện web, logo, bao bì, ấn phẩm quảng cáo đến các giá trị và tông màu của thương hiệu.
Các nhà thiết kế thương hiệu cũng cần kỹ năng thiết kế đồ họa – phần lớn trong giai đoạn thiết kế nhận dạng thương hiệu (như thiết kế logo, chọn bảng màu, chọn font chữ, v.v.) –
Tuy nhiên, ngoài ra thiết kế thương hiệu cũng bao gồm các đặc điểm bên ngoài phạm vi hình ảnh (như tiếng nói và tính cách thương hiệu).
Thiết kế UX (Trải nghiệm người dùng)
UX là viết tắt của User Experience và thiết kế UX là một trong những trụ cột của thiết kế kỹ thuật số.
Các nhà thiết kế trải nghiệm người dùng tập trung ít vào hình ảnh cụ thể mà tập trung nhiều hơn vào tính tương tác giữa ứng dụng (trang web) với người dùng
Mục đích của họ là sắp xếp các yếu tố đồ họa sao cho ứng dụng (trang web) thân thiện và dễ sử dụng hết mức có thể đối với người dùng !
Thiết kế game
Thiết kế game liên quan đến quy tắc và hệ thống của một trò chơi, cách thức hoạt động, cách thức người chơi thắng thua v.v…
Các nghệ sĩ tạo hình nhân vật và môi trường trong game tạo ra hình ảnh thực tế của trò chơi. Còn các nhà thiết kế đồ họa thường xử lý các hình ảnh như menu, logo hay ảnh bìa của game
Nghệ thuật
Thiết kế đồ họa có phải là nghệ thuật không ?
Thực ra, cả hai có rất nhiều điểm chung: Đó là sử dụng hình ảnh để thể hiện khái niệm và cảm xúc.
Nhưng bản thân “nghệ thuật” là một khái niệm hơi trừu tượng và rộng lớn, mình sẽ giải thích kỹ hơn một chút !
Sự khác biệt chính là ý tưởng “nghệ thuật vị nghệ thuật”.
Nghệ thuật có thể khiến khán giả cực kỳ khó hiểu, nhưng thiết kế đồ họa phải tránh tuyệt đối điều này !
Ví dụ, hãy xem xét lĩnh vực kiến trúc: Khi tạo ra một tòa nhà, kiến trúc sư có thể sáng tạo về mặt tiền, vật liệu, mặt bằng, v.v., nhưng cuối cùng, một tòa nhà phải phục vụ chức năng cốt lõi của nó là con người phải ở được trong đó, nghĩa là nó phải phục vụ cho con người !
Cho dù kiến trúc sư có sáng tạo cỡ nào thì tòa nhà chỉ có thể là tòa nhà nếu nó thực hiện chức năng cốt lõi này !
Thiết kế đồ họa cũng giống như vậy — thiết kế đồ họa phục vụ cho chức năng thực tế, hay nói cách khác là nó phục vụ cho người xem. Vì vậy, sự khác biệt của nó là “hình thức phục vụ cho chức năng”
Mặt khác, nghệ thuật thuần túy không phục vụ chức năng thực tế đó
Nghệ thuật thuần túy nhất được sinh ra từ tầm nhìn của nghệ sĩ và nó tập trung vào việc khơi gợi kinh nghiệm sống và trí tưởng tượng của họ, bất kể sản phẩm cuối cùng có thể khiến người xem…không hiểu nổi hay thậm chí khó chịu
Nghệ thuật thậm chí có thể được tạo ra mà không cần khán giả, đó là định nghĩa về nghệ thuật thuần túy !
Quy trình thiết kế đồ họa nói chung !
Vậy một thiết kế đồ họa thực sự được tạo ra như thế nào ?
Mỗi nhà thiết kế đồ họa sẽ có quy trình riêng của họ, nhưng về tổng thể, chúng có những điểm chung như sau :
Bước 1 : Tóm tắt yêu cầu dự án
Khi bắt đầu một dự án thiết kế, khách hàng sẽ đưa ra phạm vi dự án, định hướng thiết kế, thông tin cơ bản về doanh nghiệp và các sản phẩm cần thiết kế.
Nhiệm vụ của nhà thiết kế là cần nắm được những yêu cầu này và nếu có điều gì chưa hiểu, họ cần trao đổi với khách hàng để giải quyết vấn đề
Ở bước này, nhà thiết kế và khách hàng cũng sẽ thương lượng về giá cả cũng như thời gian hoàn thành dự án !
Bước 2: Nghiên cứu
Trong khi khách hàng nên cung cấp thông tin về yêu cầu thiết kế, về bản thân doanh nghiệp hay đối thủ cạnh tranh, nhà thiết kế đồ họa cũng sẽ tiến hành nghiên cứu, kết hợp dữ liệu này với sự hiểu biết về kỹ thuật và xu hướng thiết kế đồ họa.
Bởi vì thiết kế là giao tiếp bằng hình ảnh, điều quan trọng là phải hiểu chính xác thiết kế của bạn hướng tới đối tượng như thế nào !
Bước 3: Lên ý tưởng
Nhà thiết kế đồ họa sẽ đưa ra các giải pháp thiết kế tiềm năng cho yêu cầu của khách hàng !
Điều này có thể thực hiện tùy vào nhà thiết kế, một số người lập sơ đồ tư duy, một số người thì vẽ phác thảo tổng thể
Về cơ bản, giai đoạn này là đưa ra những khái niệm thiết kế cơ bản cho yêu cầu bạn nhận được từ khách hàng
Bước 4: Tiến hành thiết kế chi tiết
Khi ý tưởng đã được chọn, nhà thiết kế đồ họa sẽ lấy bản phác thảo và thiết kế chi tiết hơn thành một hình ảnh hoàn thiện. Nói cách khác, đây là giai đoạn mà thiết kế thực sự được tạo ra.
Mặc dù về mặt kỹ thuật, có thể kết xuất một thiết kế bằng các vật liệu vật lý như sơn và vải, hay giấy nhưng ngày nay hầu hết các thiết kế đều được tạo trong phần mềm thiết kế đồ họa với những tệp kỹ thuật số !
Khi cần in ấn, các tệp này sẽ được xử lý bằng các máy in và vật liệu phù hợp !
Bước 5 : Nhận phản hồi, đánh giá
Một thiết kế hoàn thiện không bao giờ thực sự hoàn thiện, nếu nó chưa được khách hàng đồng ý !
Khi một phiên bản thiết kế đã sẵn sàng, nhà thiết kế cần đưa cho khách hàng xem để nhận đánh giá và phản hồi — ghi chú để thiết kế phù hợp với doanh nghiệp hay thương hiệu của khách hàng !
Giai đoạn này cũng có thể nhận phản hồi thu thập được từ thử nghiệm của người dùng (đặc biệt là trong trường hợp thiết kế UI/UX).
Nếu yêu cầu chỉnh sửa được đưa ra, quá trình thiết kế đồ họa sẽ bắt đầu lại (thường từ bước 4, tùy thuộc vào mức độ cần thay đổi).
Kết luận
Thiết kế đồ họa hiện nay là một khái niệm mở rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực, yếu tố và nguyên tắc khác nhau vì sự phát triển bùng nổ của công nghệ và sản phẩm kỹ thuật số !
Về bản chất, thiết kế đồ họa chính là sử dụng hình ảnh để giao tiếp. Có rất nhiều cách để thực hiện điều này nên có vô số chuyên ngành nhỏ liên quan đến khái niệm thiết kế đồ họa nói chung !
Cuối cùng, thiết kế đồ họa không chỉ là việc tạo ra những bức ảnh đẹp mà còn là sự kết hợp của các nguyên tắc thẩm mỹ, nguyên tắc thương hiệu và tâm lý học.