Quảng cáo mạng hiển thị Google (Google Display Ads) thường được sử dụng để tăng khả năng nhận diện thương hiệu cho những khách hàng mới, hoặc quảng cáo lặp lại (remarketing/retargeting) cho những khách hàng cũ !
Thế mạnh của quảng cáo này là bạn không chỉ sử dụng những đoạn văn bản khô khan mà còn được cung cấp nhiều định dạng quảng cáo hấp dẫn hơn như hình ảnh, màu sắc, hiệu ứng chuyển động…để truyền đạt thông điệp hiệu quả hơn.
Tuy nhiên kích thước nào mà bạn nên chọn cho quảng cáo hiển thị Google ? Hiệu ứng chuyển động bao nhiêu là đủ ? Bạn được phép hoặc không được phép thêm những yếu tố gì vào hình ảnh ?
Đó là tất cả những gì mình sẽ chia sẻ dưới đây. Nếu bạn đang có ý định phát động 1 chiến dịch quảng cáo banner, hình ảnh trên mạng hiển thị Google trong thời gian tới, thì bài viết này hoàn toàn dành cho bạn !
TÓM LƯỢC BÀI VIẾT NÀY
1/ Kích thước quảng cáo ?
Có rất nhiều kích thước mà bạn có thể quảng cáo trên mạng hiển thị Google, mình liệt kê một số kích thước chính qua bảng dưới đây :
Kích thước | Tên | Vị trí | Tính phổ biến |
300×250 | Medium Rectangle | Hiển thị ở cột trái-phải của website, hoặc trong bài viết, cuối bài viết | Cao |
336×280 | Large Rectangle | Hiển thị trong hoặc cuối bài viết | Cao |
728×90 | Leaderboard | Hiển thị ở phần header (đầu) của website, hoặc trong bài viết | Cao |
300×600 | Half Page | Cột trái hay cột phải trang web | Trung bình |
468×60 | Banner | Hiển thị trong bài viết | Thấp |
234×60 | Half Banner | Hiển thị trong bài viết | Thấp |
120×600 | Skyscraper | Cột trái hoặc phải website | Thấp |
160×600 | Wide Skyscraper | Cột trái hoặc phải website | Cao |
970×90 | Wide Skyscraper | Đầu trang web | Thấp |
200×200 | Small Square | Cột phải trang web | Thấp |
250×250 | Square | Cột phải trang web | Thấp |
Câu hỏi đặt ra: Bạn nên thiết kế bao nhiêu kích thước ? Và nên chọn những kích thước nào ?
Mình phải nói điều này : Kích thước quảng cáo là yếu tố quan trọng nhất, tác động trực tiếp vào chiến dịch và hiệu suất của quảng cáo. Nếu bạn chọn những kích thước ít phổ biến sẽ làm tỷ lệ hiển thị bị giảm và ảnh hưởng xấu đến toàn bộ hiệu suất của chiến dịch.
Vì vậy, nếu bạn là người mới trong việc chạy quảng cáo hiển thị Google, mình khuyên bạn bắt buộc phải thiết kế ít nhất 3 kích thước sau đây : 300×250, 728×90, 160×600
Infographic: Những kích thước banner quảng cáo phổ biến nhất trên website
Đó là 3 kích thước cực kỳ phổ biển và được chấp nhận rộng rãi ở hầu hết mọi website đối tác của Google trên khắp thế giới.
Tất nhiên, có một số kích thước quảng cáo phổ biến hơn ở một số nước cụ thể như : Ở Nga, các nhà quảng cáo chuộng kích thước 240×400, ở Thụy Điển là 980×120 và 250×360, ở Đan Mạch là 930×180. Còn ở Ba Lan phổ biến nhất là 3 kích thước : 750×300, 750×200, 750×100.
2/ Kiểu và định dạng file được chấp nhận ?
Quảng cáo hiển thị Google có 3 kiểu chính : Quảng cáo tĩnh, quảng cáo động, và quảng cáo tương tác
Đối với quảng cáo tĩnh, các hình ảnh được chấp nhận theo định dạng file là Jpeg, Jpg, Png, Gif.
Quảng cáo động có thể được chấp nhận với định dạng Gif và SWF.
Quảng cáo tương tác yêu cầu 1 hành động nào đó từ người dùng để tương tác với quảng cáo, loại quảng cáo này chỉ chấp nhận định dạng SWF mà thôi.
Chọn kiểu quảng cáo không đơn giản như việc lựa chọn kích thước quảng cáo. Thông thường, những hình ảnh có hiệu ứng chuyển hay tương tác với người dùng thì hiệu quả hơn quảng cáo hình ảnh tĩnh.
Các hiệu ứng chuyển động là một yếu tố thu hút sự chú ý , nhưng bạn nên lưu ý, có quá nhiều ứng sẽ dễ dàng làm người dùng bị rối mắt và gây phản tác dụng đấy !
1 điều nữa là không phải mọi website đều chấp nhận quảng cáo hình ảnh có hiệu ứng chuyển động hoặc tương tác, trong khi đó, hình ảnh tĩnh lại có sự phổ biến rộng rãi hơn nhiều.
Vì vậy, cho dù bạn quyết định sử dụng hình ảnh tĩnh hay động, điều quan trọng nhất vẫn là tập trung vào trải nghiệm người dùng. Hãy cố gắng làm cho thông điệp và quảng cáo của bạn thật thú vị và đáp ứng đúng nhu cầu của những đối tượng khách hàng phù hợp.
3/ Yêu cầu kỹ thuật ?
Tĩnh hay động, tất cả quảng cáo hiển thị trên Google nên có dung lượng từ 150Kb đổ lại mà thôi
Nếu bạn sử dụng hình ảnh có hiệu ứng, hãy cố gắng giới hạn độ dài từ 15 giây trở xuống. Bạn có thể sử dụng chế độ lặp đi lặp lại của hiệu ứng, nhưng chiều dài hoạt hình không được vượt quá 15 giây !
Nếu bạn sử dụng định dạng Gif để tạo chuyển động, tốc độ khung hình được khuyến nghị là 5 khung hình/giây. Đối với định dạng Flash, tốc độ khung hình khoảng 20 khung/giây, có thể thấp hơn.
4/ Nội dung quảng cáo ?
Khi bạn tham gia quảng cáo hiển thị Google, có 1 vài quy tắc mà bạn cần phải tuân thủ nếu muốn chiến thắng trong cuộc chơi đầy cạnh tranh này
Nếu bạn sử dụng hình ảnh hay banner, hãy chắc chắn rằng nội dung rõ ràng và dễ nhận ra. Đừng bao giờ sử dụng hình ảnh có chất lượng thấp hoặc nền có hiệu ứng nhấp nháy khó nhìn !
- Hãy tận dụng toàn bộ không gian trên banner của bạn
- Đừng sao chép nội dung từ những nhà quảng cáo khác
- Đừng bao giờ sử dụng những thủ thuật bất hợp pháp để lừa người dùng click chuột vào quảng cáo như bắt chước 1 cảnh báo trên hệ thống hoặc thông báo lỗi của hệ điều hành…
- Nếu bạn sử dụng background màu trắng, hãy thêm 1 khung viền vào quảng cáo để người dùng dễ phân biệt với những nội dung khác trên website
- Bạn có thể sao chép những hiệu ứng hoạt hình hoặc icon từ website, thương hiệu của bạn lên banner quảng cáo
5 MẸO ĐỂ CÓ 1 QUẢNG CÁO HIỆU QUẢ TRÊN MẠNG HIỂN THỊ GOOGLE
Ok, vậy là bạn đã biết tất tần tật về những kích thước banner phổ biến, định dạng tệp, những nội dung Google cấm hoặc cho phép bạn đưa lên quảng cáo.
Bây giờ, làm thế nào để tạo ra một quảng cáo thực sự hiệu quả ?
A. Tập trung vào đối tượng người dùng
Bước đầu tiên trước khi bạn bắt đầu thiết kế 1 banner quảng cáo bất kỳ, là xem xét đối tượng khách hàng mà quảng cáo hướng tới.
Nếu bạn muốn nhận được tỷ lệ chuyển đổi cao, nhiều nhấp chuột, bán được nhiều hàng, bạn phải thu hút được sự chú ý của khách hàng mục tiêu, và bạn có thể làm điều đó bằng cách sử dụng những yếu tố, thông điệp, tính năng sản phẩm hoặc khuyến mãi theo cách mà khách hàng thực sự quan tâm
Vậy, làm sao để làm được điều đó ?
Hãy bỏ ra khoảng 15 phút để nghĩ như một khách hàng của bạn:
Họ quan tâm tới điều gì ? Điều gì có thể khiến họ chú ý ? Họ đam mê thứ gì ? Sản phẩm nào của bạn có thể giúp họ giải quyết được rắc rối ?
Liệt kê một vài tính năng (hoặc lợi ích) mà sản phẩm, dịch vụ bạn làm có thể giúp ích cho khách hàng. Nếu bạn đang có khuyến mãi giảm giá hay miễn phí, đề cập trực tiếp lên quảng cáo với từ “Miễn Phí” được làm nổi bật, hoặc “Ưu đãi đặc biệt”, hoặc “Giảm giá” v.v…Đó là những từ ngữ mạnh mẽ thu hút sự chú ý !
B. Sử dụng các yếu tố nhận diện thương hiệu
Thêm những chi tiết khẳng định thương hiệu có thể giúp xây dựng niềm tin và nhận thức với khách hàng của bạn. Logo là yếu tố quan trọng nhất trong bộ nhận diện thương hiệu, giúp khách hàng có thể nhận ra và xác nhận bạn là ai trong vô vàn các quảng cáo họ thấy hằng ngày.
Ngoài ra, hãy đồng bộ màu sắc của banner quảng cáo và trang đích với nhau. Banner quảng cáo và trang đích càng có sự tương đồng, trải nghiệm của người dùng đối với quảng cáo càng mượt mà hơn. Khách hàng không phải lúc nào cũng thích sự bất ngờ, nếu bạn dẫn họ tới 1 trang hoàn toàn khác với banner mà bạn quảng cáo, nhiều khả năng họ sẽ thoát ra ngay lập tức !
C. Luôn chèn nút “kêu gọi hành động”
Nếu không có những chỉ dẫn cụ thể qua nút kêu gọi hành động, khách hàng của bạn nhiều khả năng sẽ không có bất kỳ hành động nào sau khi xem quảng cáo. Vì vậy thêm 1 lời kêu gọi hành động không bao giờ là thừa cả, để diễn đạt chính xác những gì mà bạn muốn họ làm
Ví dụ như “tìm hiểu thêm”, “xem ngay”, “đặt hàng ngay”…
D. Thiết kế đẹp và đơn giản luôn luôn hiệu quả
Dù bạn quảng cáo cho sản phẩm hay dịch vụ gì, cố gắng đừng thêm thắt quá nhiều chi tiết trên banner. Việc đó chỉ làm cho banner của bạn trông rối mắt.
Hãy giữ cho thiết kế thật đơn giản và không sử dụng quá nhiều màu sắc. Thiết kế thiếu thẩm mỹ không bao giờ tạo nên sự tin tưởng cho người dùng và gây tác hại cho chiến dịch quảng cáo bạn làm.
Tất nhiên, luôn sử dụng font chữ dễ đọc để thể hiện thông điệp trên banner như Verdana, Tahoma, Arial hay Roboto, kích thước ít nhất 9px để đảm bảo người dùng có thể thấy được chúng.
E. Thử và thử
Bạn sẽ không bao giờ biết được quảng cáo nào hiệu quả nếu bạn không thử nghiệm. Kỹ năng thiết kế quảng cáo không phải là 1 môn khoa học chính xác tuyệt đối, mỗi thương hiệu có 1 công thức bí mật riêng để quảng cáo thành công và bạn không bao giờ tìm ra được công thức đó nếu không tiến hành thử nghiệm những cách khác nhau.
Thử thiết kế những kích thước khác nhau để tìm ra kích thước hiệu quả nhất, thử luôn những yếu tố khác như thay đổi thông điệp, hình ảnh, nút “kêu gọi hành động” để tìm ra thiết kế tối ưu.
Tóm lại, mạng hiển thị Google là một trong những nền tảng tuyệt vời để quảng cáo theo nhiều mục đích: Khuếch tán thương hiệu, sản phẩm, tiếp thị lại. Tìm tòi, suy nghĩ và tuân thủ đúng những gì mình chia sẻ phía trên, chiến dịch quảng cáo của bạn sẽ thành công so với những đối thủ khác !
Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào khác, hãy chia sẻ với mình qua bình luận phía dưới nhé !