Tỷ lệ nhấp chuột vào banner quảng cáo (CTR) là yếu tố đo lường cơ bản và là thách thức đối với bất kỳ nhà thiết kế hoặc nhà tiếp thị nào.
Khi bạn phát động 1 chiến dịch banner quảng cáo trên mạng hiển thị Google, Facebook hay Coccoc…thì CTR chính là yếu tố quyết định thành công hay thất bại của chiến dịch.
Vì vậy, điều gì làm nên 1 banner có tỷ lệ nhấp chuột cao hay thấp ? Những sai lầm nào mà các nhà quảng cáo hay mắc phải khiến cho khách hàng từ chối click vào banner quảng cáo của họ ?
Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé !
TÓM LƯỢC BÀI VIẾT NÀY
Bạn chèn logo vào banner, bạn chèn mức giá khuyến mãi, bạn chèn những hình ảnh đẹp, bạn chèn những nút “kêu gọi hành động” bắt mắt…
Bạn chèn tất cả những yếu tố trên vào banner và nghĩ rằng khách hàng sẽ thích chúng ? Khách hàng sẽ click chuột như điên vào banner của bạn ?
Chà..không đâu. Thật ra, người dùng sẽ ít khi nào nhấp chuột và banner quảng cáo, trừ khi bạn có điều gì đó thu hút sự chú ý của họ, đáp ứng được sự quan tâm của họ, hay thỏa mãn nhu cầu của họ.
Làm sao để khắc phục ?
Đừng cho rằng mọi người sẽ quan tâm tất cả mọi thứ vế bạn ! Hãy dành ra khoảng 15 phút suy nghĩ như đối tượng khách hàng mà bạn muốn hướng tới.
Điều gì thu hút sự chú ý của khách hàng vào sản phẩm/dịch vụ bạn cung cấp ? Tóm lược những thông tin về sản phẩm/dịch vụ của bạn trong một vài từ và làm nổi bật những lợi ích chính trong quảng cáo của bạn.
Bạn cũng có thể viết ra giấy một vài câu, chọn những câu cô đọng và hấp dẫn nhất, rồi tóm gọn lại. Vậy là bạn đã có một thông điệp ấn tượng cho những đối tượng khách hàng phù hợp rồi !
Nút “kêu gọi hành động” là thứ mà bạn phải chèn lên banner quảng cáo để nói với khách hàng một cách chính xác bạn muốn họ làm gì tiếp theo ?
Nếu không có nút “kêu gọi hành động”, người dùng nhiều khả năng không có bất kỳ tương tác nào với banner sau khi xem chúng cả.
Mình có viết 1 bài về tầm quan trọng của nút “kêu gọi hành động” cách đây không lâu. Bạn tham khảo tại đây nhé
Làm sao khắc phục ?
Nghĩ tới điều bạn muốn khách hàng làm và đặt nút vào banner. Bạn có thể bảo họ “Mua ngay”, “Đăng ký ngay”, “Tìm hiểu thêm”…
Có rất nhiều lợi ích nếu bạn sử dụng yếu tố thương hiệu lên banner quảng cáo. Thương hiệu giúp cho bạn tạo ấn tượng tốt nơi khách hàng, giúp bạn nổi bật và phân biệt với các đối thủ cạnh tranh khác, xây dựng sự tín nhiệm đối với người dùng !
Không sử dụng yếu tố nhận diện thương hiệu trên banner làm cho thiết kế của bạn trông không đáng tin và thiếu đi sự chuyên nghiệp !
Làm sao để khắc phục ?
Chèn ngay logo lên bất cứ banner quảng cáo nào bạn thiết kế. Nếu bạn không muốn chèn logo, hãy sử dụng địa chỉ website. Bạn cũng nên thiết kế banner cùng tông màu với màu sắc website để trải nghiệm người dùng mượt mà hơn khi click vào quảng cáo !
Vâng mình biết. Thực sự tốn rất nhiều tiền thuê một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp để chụp những bức ảnh chất lượng cao và sử dụng chúng trên banner quảng cáo. Phần lớn mọi người sẽ không có đủ tiền và thời gian để làm chuyện đó.
Tuy nhiên, hình ảnh có chất lượng thấp, mờ nhạt hay lỗi thời sẽ làm cho quảng cáo của bạn cực kỳ thiếu chuyên nghiệp và không đáng tin. Chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đáng kể tới hiệu suất và tỷ lệ nhấp chuột của banner quảng cáo !
Làm sao để khắc phục ?
Có rất nhiều trang web cung cấp hình ảnh chất lượng cao hoàn toàn miễn phí nhiều lĩnh vực. Bạn có thể tìm những hình ảnh siêu đẹp về chủ đề của bạn. Tham khảo bài viết dưới nhé :
Bản thân mình luôn thích các font chữ sáng tạo…trên thiệp mời đám cưới hay các bản thư pháp.
Nhưng đối với banner quảng cáo, font chữ càng khó đọc chừng nào, tỷ lệ nhấp chuột vào banner của bạn càng thấp chừng đấy !
Một nội dung khó đọc sẽ đòi hỏi người dùng nhiều sự kiên nhẫn để thấy những gì bạn viết trên banner, và thông thường, 80% người dùng lướt web chả ai kiên nhẫn cả, đặc biệt khi đọc quảng cáo !
Làm sao để khắc phục :
Chọn những font chữ đơn giản, thông dụng và rõ ràng. Các font chữ mình hay sử dụng là Tahoma, Roboto, Arial, Verdana, Century Gothic, Futura or Georgia. Nên chọn kích thước từ 13px trở lên và đặt màu chữ tương phản với màu nền.
Bạn có nghĩ rằng hình ảnh sản phẩm, văn bản, chi tiết, giá cả, khuyến mãi, số điện thoại, logo…tất tần tật mọi thứ đều nên đưa lên banner ?
Nếu câu trả lời là có, thì mình không ngạc nhiên khi bạn mắc phải sai lầm thứ 6 này. Bạn đang yêu cầu người dùng nỗ lực để nhìn hết mọi thứ nhồi nhét trong một không gian nhỏ bé có kích thước 728×90, hay 300×250, hay 160×600 !
Thông thường thì khách hàng chẳng bao giờ ghé mắt tới 1 banner có nội dung tràn lan như vậy tới lần thứ 2 đâu. Hơn nữa nếu bạn trình bày tất cả mọi thứ trên banner, thì tại sao người ta phải mất công bấm vào chúng để tìm hiểu sâu xa hơn chứ ?
Quá nhiều chi tiết trên banner sẽ ảnh hưởng cực xấu tới thiết kế. Một thiết kế xấu thì chẳng ai thèm bận tâm tới chúng cả, như ví dụ dưới đây. Bạn sẽ click vào banner trái hay phải ?
Làm sao khắc phục ?
Như mình đã nói rất nhiều lần, một thiết kế đẹp tạo nên niềm tin nơi khách hàng. Hãy giữ cho banner của bạn thật đơn giản và loại bỏ tất cả những thứ không liên quan.
Nghĩ về những thứ nhiều khả năng sẽ thu hút sự chú ý của người dùng, điều gì sẽ khiến cho họ click vào banner ? Loại bỏ tất cả những chi tiết không cần thiết khác, vì nó chỉ làm xao nhãng khách hàng của bạn mà thôi.
Sử dụng quá nhiều màu sắc, đặc biệt là những màu cùng tông với nhau sẽ khiến cho banner có thiết kế cực kỳ nghiệp dư.
Tất nhiên những màu sắc sặc sỡ luôn thu hút sự chú ý, nhưng nếu phối màu không khéo, thiết kế của bạn sẽ dễ trở thành thảm họa và đánh mất niềm tin của người dùng !
Làm sao khắc phục ?
Chọn bảng màu chứa khoảng 3 màu, tối đa 4 màu và bám sát vào những màu đó. Bạn có thể xem ý tưởng phối màu tại Colour Lovers
Ngoài ra chỉ nên sử dụng màu đơn sắc hoặc màu chuyển sắc nhưng chỉ giới hạn khoảng 2 màu. Tránh thật xa những chi tiết sặc sỡ 7 sắc cầu vồng !
Một sự tương tác nhỏ hay một ít hiệu ứng chuyển động nhiều khả năng sẽ làm cho banner của bạn thú vị và thu hút hơn, nhưng bạn đâu có cần áp mỗi hiệu ứng nhấp nháy vào mỗi chi tiết đồ họa trên banner !
Hãy thử tưởng tượng các thông điệp, hình ảnh, nút kêu gọi hành động…tất cả đều nhấp nháy và di chuyển xung quanh, người dùng sẽ cực kỳ khó theo dõi và không thèm nhấp chuột
Như banner dưới đây:
Làm sao khắc phục ?
Theo ý kiến của riêng mình, hiện nay, banner tĩnh vẫn là sự lựa chọn tốt nhất. Bởi vì nếu bạn chạy quảng cáo trên mạng hiển thị Google, banner tĩnh vẫn là sự lựa chọn tối ưu của những trang web trong mạng liên kết. Banner tĩnh sẽ hiển thị nhiều hơn, và nhiều khả năng nhận được nhiều nhấp chuột hơn !
Nếu bạn vẫn muốn thiết kế banner động. Tốt thôi ! Hãy cố gắng giới hạn hiệu ứng để khách hàng dễ theo dõi, với những nội dung quan trọng và bạn muốn khách hàng chú ý, đừng sử dụng hiệu ứng chuyển động cho chúng !
Hãy trả lời mình một cách trung thực: Lần cuối bạn cập nhật các thiết kế banner của bạn là khi nào ?
Giống như tất cả mọi thứ, banner quảng cáo cũng có vòng đời của chúng. Những thiết kế cũ kỹ và lỗi thời sẽ ảnh hưởng tới hiệu suất quảng cáo của bạn theo thời gian.
Hơn nữa, nếu quảng cáo của bạn tiếp cận 1 khách hàng nhiều lần mà không có sự đổi mới về thiết kế. Họ ít khả năng sẽ tương tác với chúng vào những lần sau !
Làm sao khắc phục ?
Bạn nên định kỳ xem xét và làm mới các thiết kế banner. Hãy thử một thông điệp mới, đổi màu cho nút kêu gọi hành động, thay một hình ảnh trau chuốt hơn, khai thác những chương trình khuyến mãi…
Chắc chắn bạn sẽ thấy sự cải thiện trong tỷ lệ nhấp chuột và chuyển đổi.
Okay, trên đây là những ý kiến của mình về những lỗi hay gặp và cách cải thiện để mang lại 1 banner quảng cáo tối ưu. Về phía bạn, bạn có ý tưởng nào khác không. Chia sẻ với mình qua bình luận dưới đây nhé !